Sau một thập kỷ ngưng trệ, dự án nối dài đường Võ Văn Kiệt chính thức được TP HCM tái khởi động, đồng thời đề xuất mở rộng thêm gần 12km đến tỉnh Long An để hình thành trục giao thông huyết mạch kết nối vùng.

Việc nối dài đường Võ Văn Kiệt không chỉ giải tỏa áp lực giao thông khu vực phía tây TP HCM mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội liên vùng giữa TP HCM và tỉnh Long An
Theo Sở Xây dựng TP HCM, đơn vị đã được UBND TP HCM giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, điều chỉnh và đầu tư dự án "Xây dựng đường trục Đông – Tây (Võ Văn Kiệt) nối dài từ quốc lộ 1 đến tỉnh Long An".
Dự án ban đầu có chiều dài 2,7km, từ cầu vượt quốc lộ 1 đến đường Võ Trần Chí (quận Bình Tân). Đây là phần được triển khai theo hình thức BOT từ năm 2015 nhưng dở dang vì nhiều vướng mắc, đến tháng 11-2024 bị chấm dứt hợp đồng khi mới thi công đạt khoảng 12%.
Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện đoạn cũ, TP HCM đề xuất mở rộng thêm hai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, đoạn 2 dài 6,6 km kéo dài từ Võ Trần Chí đến vành đai 3, đi qua các khu vực như Tân Tạo, Tân Kiên.
Đoạn 3 dài 5,3 km từ vành đai 3 đến ranh giới tỉnh Long An, nơi giao cắt với tỉnh lộ ĐT.823D.
Tuyến đường được quy hoạch là trục chính đô thị với mặt cắt ngang 60m, tốc độ thiết kế lên đến 80km/h. Dự kiến xây dựng 6 cây cầu vượt sông (An Hạ, Láng Le, Bàu Cò…) và nút giao khác mức với đường vành đai 3, bao gồm cầu vượt, hầm chui và các nhánh rẽ.
Tổng mức đầu tư toàn tuyến theo phương án 1 được ước tính khoảng 19.397 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm hơn 12.800 tỉ đồng. Với nguồn vốn lớn, thành phố lên phương án chia nhỏ từng đoạn để đầu tư.
Đáng chú ý, phương án 2 được TP HCM cân nhắc triển khai trước đoạn từ vành đai 3 đến ranh giới Long An dài 5,3 km. Dù chỉ chiếm một phần ba tổng chiều dài, nhưng đoạn này giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối TP HCM với tỉnh Long An và các khu đô thị – công nghiệp lớn như Sing Viet, Lê Minh Xuân, Bình Lợi. Tổng mức đầu tư riêng cho đoạn này khoảng 13.900 tỉ đồng, trong đó gần 9.800 tỉ đồng dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Việc nối dài đường Võ Văn Kiệt không chỉ giải tỏa áp lực giao thông khu vực phía tây TP HCM mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội liên vùng giữa TP HCM và tỉnh Long An.
Hoặc