Nhiều doanh nghiệp bất động sản thời gian gần đây liên tục công bố thông tin về việc mua lại trước hạn trái phiếu, với tổng giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu được mua lại
Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đã hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ 2.400 tỷ đồng trái phiếu mã DPQB1623001 vào ngày 27/6/2025. Đây là lô trái phiếu phát hành ngày 21/12/2016, tổng giá trị 3.400 tỷ đồng, kỳ hạn ban đầu 10 năm.
Trước đó, từ năm 2018 đến 2022, doanh nghiệp đã 5 lần mua lại tổng cộng 1.000 tỷ đồng. Ngày 21/12/2023, công ty công bố gia hạn kỳ hạn lô trái phiếu thêm 2 năm, với kế hoạch trả tối thiểu 400 tỷ đồng vào cuối năm 2024 và phần còn lại vào 21/12/2025.
Cuối năm 2024, người sở hữu trái phiếu đã chấp thuận thay đổi điều kiện trái phiếu, trong đó có việc rút bớt tài sản bảo đảm là Dự án Khu du lịch sinh thái Vinpearl Phú Quốc giai đoạn II và Dự án Vinpearl Safari Phú Quốc.
Cũng trong thời gian này, Công ty Luxury Living đã mua lại 700 tỷ đồng trái phiếu mã LLFCB2328001, đưa giá trị lưu hành của lô này về 1.600 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 9/5/2025, doanh nghiệp đã mua lại 2.500 tỷ đồng trái phiếu cùng mã. Đây là lô trái phiếu duy nhất của Luxury Living, phát hành ngày 13/3/2023 với kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 9%.

Giá trị mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp giai đoạn 2024-2025. (Nguồn: VBMA)
Hay như Công ty Cổ phần KITA Invest chi gần 800 tỷ đồng để mua lại toàn bộ 3 lô trái phiếu phát hành năm 2020 gồm: KITA.BOND2020.03, KITA.BOND2020.07 và KITA.BOND2020.08.
Trong đó, lô KITA.BOND2020.03 có giá trị phát hành 500 tỷ đồng, đáo hạn ngày 5/5/2025. Hai lô còn lại đáo hạn ngày 30/7/2025, với tổng giá trị mua lại lần lượt gần 200 tỷ đồng và gần 196 tỷ đồng.
Đối với Công ty Cổ phần Crystal Bay cũng tất toán toàn bộ lô trái phiếu mã CBGCB2124001 sau khi chi 420,5 tỷ đồng để mua lại phần còn lại vào tháng 6/2025.
Trước đó, vào tháng 4/2024, doanh nghiệp đã mua lại 29,5 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có tổng giá trị 450 tỷ đồng, phát hành ngày 5/11/2021, kỳ hạn 3 năm.
Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch tất toán
Bên cạnh những doanh nghiệp đã hoàn tất việc mua lại trái phiếu, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng rục rịch có động thái lên kế hoạch mua lại trước hạn trong thời gian tới.
Có thể kể đến như Công ty Cổ phần Sovico Holdings dự chi 400 tỷ đồng để mua lại toàn bộ lô trái phiếu mã SVC07202301 trong thời gian từ ngày 9/6 đến 9/7/2025. Lô trái phiếu này phát hành ngày 27/7/2020, đáo hạn 27/7/2025, lãi suất 10%/năm.
Trước đó, vào ngày 18/4/2025, Sovico Holdings đã mua lại 500 tỷ đồng trái phiếu mã SVC07202303, phát hành ngày 29/7/2020, kỳ hạn 60 tháng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản ồ ạt mua lại trước hạn trái phiếu.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (HoSE: TDC) - công ty con của Becamex cũng đã thông qua việc mua lại trước hạn 350 tỷ đồng trái phiếu mã TDC.BOND.2020.700, chiếm một nửa trong tổng giá trị phát hành 700 tỷ đồng.
Nguồn tiền thực hiện đến từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ và nguồn thu từ hoạt động kinh doanh. Trước đó, vào ngày 15/5, TDC đã hoàn tất huy động 322 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Theo thống kê của Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS), trong nửa cuối năm 2025, có 474 lô trái phiếu với tổng dư nợ 150.000 tỷ đồng đến hạn thanh toán, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 50% - đây là ngành có tỉ trọng trái phiếu đáo hạn lớn nhất.
Nhiều lô trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang được cảnh báo nguy cơ chậm trả lần đầu do gặp khó khăn về dòng tiền, tài sản bảo đảm và tín nhiệm tài chính. Một số doanh nghiệp đã đề nghị gia hạn nợ, đàm phán giãn tiến độ thanh toán hoặc đề xuất trả nợ bằng sản phẩm bất động sản. Tuy nhiên, phần lớn các giải pháp chỉ mang tính tạm thời.
Trong bối cảnh đó, động thái mua lại trái phiếu trước hạn của một số doanh nghiệp bất động sản đã đem lại tín hiệu tích cực cho kênh huy động vốn này, khi thị trường đang ghi nhận nhiều trường hợp chậm trả hoặc công bố chưa đủ khả năng thanh toán trái phiếu do hoạt động kinh doanh gặp khó khăn.
Hoặc