Đặt đồ ăn ngoài 2,5 lần/ngày, nam thanh niên 34 tuổi phải sống dựa vào thuốc suốt đời

Admin

27/05/2025 16:30

Mỗi ngày 2,5 đơn đồ ăn ngoài, anh chàng 34 tuổi đã phải uống thuốc suốt đời vì mảng bám trong mạch máu.

Mảng bám trong mạch máu – “sát thủ thầm lặng”

Ngày 25/5, cụm từ khóa “Nam giới ngày đặt đồ ăn ngoài 2,5 lần, mắc bệnh phải uống thuốc suốt đời” leo thẳng lên vị trí số 1 top tìm kiếm Weibo, khiến cộng đồng mạng Trung Quốc không khỏi bàng hoàng.

Nhân vật chính trong câu chuyện là một người đàn ông Trung Quốc 34 tuổi có thói quen mỗi ngày gọi đồ ăn ngoài trung bình 2,5 lần. Món “tủ” của anh là cá nướng siêu cay kết hợp trà sữa. Không chỉ vậy, anh còn rất lười vận động. 

Đặt đồ ăn ngoài 2,5 lần/ngày, nam thanh niên 34 tuổi phải sống dựa vào thuốc suốt đời- Ảnh 1.

Gần đây, sau khi bất ngờ bị đau ngực và đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ phát hiện trong cơ thể anh đã hình thành các mảng bám trong mạch máu. Điều này khiến người đàn ông buộc phải uống thuốc suốt đời để kiểm soát tình trạng này.

Những yếu tố nào dễ dẫn đến hình thành mảng bám?

Mảng bám trong mạch máu là sự kết hợp của chất béo, mô liên kết và các thành phần rắn khác trong máu... bám dính vào thành mạch. Chúng không xuất hiện trong một sớm một chiều mà là hệ quả tích tụ lâu dài từ nhiều yếu tố.

Mảng bám không chỉ đơn thuần là vật cản trong lòng mạch mà còn là dấu hiệu sớm của những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Khi mảng bám lớn dần lên hoặc bong ra, chúng có thể làm tắc nghẽn mạch máu, gây ra biến cố tim mạch nghiêm trọng, thậm chí đột tử.

Các yếu tố dễ hình thành mảng bám mạch máu gồm:

- Chế độ ăn không lành mạnh: Ăn nhiều chất béo, dầu mỡ sẽ "cung cấp nguyên liệu" cho mảng bám. Thực phẩm cay, chiên rán, thức ăn nhanh cũng góp phần kích thích thành mạch.

Cùng với đó, trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Môi trường và Sức khỏe Trung Quốc năm 2024 đã chỉ ra: hộp đựng đồ ăn ngoài khi đựng thức ăn nóng trên 65°C có thể giải phóng vi nhựa và hợp chất perfluoroalkyl, gây tổn thương lớp nội mô của mạch máu – yếu tố góp phần hình thành các mảng bám.

Đặt đồ ăn ngoài 2,5 lần/ngày, nam thanh niên 34 tuổi phải sống dựa vào thuốc suốt đời- Ảnh 2.

- Huyết áp và đường huyết cao: Đây là hai “sát thủ thầm lặng” gây tổn thương thành mạch, tạo điều kiện cho mảng bám hình thành và phát triển.

- Hút thuốc lá: Làm rối loạn chuyển hóa chất béo, gia tăng huyết áp, gây viêm và tổn thơng thành mạch – tất cả đều tạo điều kiện cho mảng bám tích tụ.

- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch, nguy cơ của bạn cũng sẽ cao hơn.

Mảng bám trên thành mạch máu có thể biến mất không?

Một nghiên cứu theo dõi 1.529 người có mảng bám trong vòng 6 năm đã phát hiện 8% trong số họ hoàn toàn không còn mảng bám, với những điểm chung gồm:

- Không hút thuốc

- Còn trẻ

- Mức cholesterol LDL và fibrinogen thấp

- Mảng bám ở giai đoạn sớm, chưa gây triệu chứng lâm sàng

Điều này cho thấy, nếu phát hiện mảng bám từ sớm cùng can thiệp kịp thời, thông qua điều chỉnh lối sống và điều trị y tế, hoàn toàn có khả năng làm mảng bám nhỏ lại hoặc biến mất.

Làm sao để ngăn ngừa hình thành mảng bám?

Chế độ ăn lành mạnh

- Tăng cường rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, hạt.

- Giảm chất béo bão hòa (như mỡ động vật, đồ chiên rán), hạn chế muối từ muối ăn, nước tương, thực phẩm chế biến.

- Kiểm soát lượng cholesterol, carbohydrate, tránh tiêu thụ chất béo chuyển hóa (trans fat) từ đồ chiên công nghiệp, bánh ngọt, kem...

Tăng cường vận động thể chất

- Duy trì thói quen đi bộ nhanh, chạy chậm, bơi lội, đạp xe.

- Với người ít vận động, nên bắt đầu từ cường độ thấp – thời gian ngắn, rồi tăng dần.

Khám sức khỏe định kỳ

Siêu âm mạch máu, xét nghiệm máu kiểm tra lipid, đường huyết… giúp phát hiện sớm nguy cơ và can thiệp kịp thời.

Trong xã hội hiện đại, thói quen sống nhanh – ăn nhanh đang dần bào mòn sức khỏe của chúng ta một cách âm thầm. Câu chuyện người đàn ông 34 tuổi phải dùng thuốc suốt đời chỉ vì quá phụ thuộc vào đồ ăn ngoài là lời cảnh tỉnh đắt giá cho tất cả mọi người.

Nguồn: CCTV, Sohu