Công ty Việt vừa sản xuất được một "báu vật" mới: Quy mô thị trường lên tới 1,5 tỷ USD, Trung Quốc và ASEAN đang khao khát

Admin

08/07/2025 20:13

Sản phẩm này là nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như sản xuất phân bón DAP/NPK, axit sulfuric, thuốc bảo vệ thực vật, giấy, cao su, luyện kim và nhiều ngành khác.

Công ty Việt vừa sản xuất được một

BSR áp dụng công nghệ pastillation trong sản xuất lưu huỳnh hạt

Theo thông tin từ PVN, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đã hoàn tất quá trình nghiên cứu và chính thức sản xuất thành công lưu huỳnh dạng hạt (Sulfur Pastilles). Sản phẩm này bắt đầu được tung ra thị trường từ tháng 7/2025.

Trước đó, nhà máy chỉ sản xuất lưu huỳnh ở dạng lỏng, duy trì ở nhiệt độ cao trong khoảng 120 - 150°C để giữ được trạng thái ổn định. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi hệ thống lưu trữ và vận chuyển chuyên biệt, tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn. Đồng thời, việc tiêu thụ lưu huỳnh lỏng cũng gặp hạn chế do phụ thuộc vào khoảng cách vận chuyển và cơ sở hạ tầng tiếp nhận. 

Để giải quyết các vấn đề này, BSR đã đầu tư lắp đặt hệ thống sản xuất lưu huỳnh rắn dạng hạt và đóng bao tại Phân xưởng xử lý lưu huỳnh (SRU).

Công nghệ được sử dụng là Pastillation – một phương pháp đúc và làm lạnh trên băng tải thép. Lưu huỳnh lỏng sau khi được lọc sẽ được đưa đến thiết bị dropformer để tạo thành các giọt nhỏ đều nhau, rơi lên bề mặt băng tải đang chuyển động. 

Tại đây, các giọt lưu huỳnh nhanh chóng được làm mát và đông đặc thành hạt tròn bán cầu (pastilles). Sau đó sản phẩm sẽ được thu gom, đóng bao bằng hệ thống bán tự động và vận chuyển tới khu vực xuất hàng thông qua băng tải. Toàn bộ dây chuyền được thiết kế khép kín, đảm bảo an toàn vận hành, không gây bụi và thân thiện với môi trường.

So với dạng lỏng, lưu huỳnh hạt có nhiều điểm vượt trội như dễ đóng gói, vận chuyển bằng container thông thường, bảo quản lâu dài, giảm nguy cơ cháy nổ và hạn chế quá trình oxy hóa, đồng thời không phát sinh bụi ra môi trường. Những ưu điểm này giúp sản phẩm tiếp cận được các thị trường rộng lớn hơn, đặc biệt phù hợp với các ngành công nghiệp yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Công ty Việt vừa sản xuất được một

Lưu huỳnh hạt do BSR sản xuất có hình bán cầu, màu vàng đặc trưng, kích thước đồng đều, độ tinh khiết từ 99,5% trở lên và độ ẩm không vượt quá 0,5%. Sản phẩm được đóng trong bao jumbo 1 tấn hoặc theo nhu cầu của khách hàng, thuận tiện cho lưu trữ và vận chuyển. 

Hiện tại, hệ thống tạo hạt có thể sản xuất khoảng 13 tấn trong 8 giờ vận hành. Nếu mở rộng thời gian vận hành lên 24 giờ mỗi ngày, công suất dự kiến có thể đạt từ 35 đến 39 tấn/ngày, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Sản phẩm lưu huỳnh hạt từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có thể được sử dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp như sản xuất phân bón DAP/NPK, axit sulfuric, thuốc bảo vệ thực vật, giấy, cao su, luyện kim và nhiều ngành khác.

Đối với thị trường nội địa, BSR đang tích cực kết nối với các nhà máy hóa chất và doanh nghiệp có vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng phù hợp để ký hợp đồng dài hạn và tăng dần tỷ trọng xuất khẩu khi sản lượng ổn định.

Về kế hoạch xuất khẩu, các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực ASEAN được xem là mục tiêu trọng điểm của BSR nhờ vào nhu cầu tiêu thụ ổn định và dài hạn.

Trong thời gian tới, BSR cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm dẫn xuất từ lưu huỳnh để gia tăng giá trị và đa dạng hóa danh mục sản phẩm.

Sulfur pastilles là một thị trường quy mô khoảng 1,4–1,5 tỷ USD vào năm 2023 và dự báo đạt 1,6 tỷ USD vào năm 2028, với mức tăng trưởng trung bình 3,2% mỗi năm. 

Trong đó Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu lưu huỳnh lớn nhất thế giới, phục vụ cho ngành sản xuất phân bón, axit sulfuric và hóa chất công nghiệp. Theo OEC.world, nước này nhập khẩu tới 161 triệu USD lưu huynh trong năm 2023, chủ yếu từ Saudi Arabia, UAE, Qatar và Canada.

Ấn Độ và khu vực ASEAN cũng có nhu cầu nhập khẩu lưu huỳnh tăng mạnh trong 5 năm gần đây, nhờ phát triển ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa dầu.Trong đó Indonesia nằm trong nhóm nhập khẩu lớn.