Bạn có bao giờ nhìn lên bầu trời và tự hỏi mấy thứ lấp lánh kia là gì chưa? Có từng xem phim Interstellar mà cay cú vì không hiểu nổi đống phương trình nhưng vẫn mê tít không gian? Hay chỉ đơn giản là bạn từng search vũ trụ có bao nhiêu hành tinh?
Nếu có, rất có thể bạn là dân tiềm năng của ngành hàng không vũ trụ đấy!
Khoa học Vũ trụ là ngành gì?
Khoa học Vũ trụ là ngành nghiên cứu mọi thứ xảy ra bên ngoài Trái Đất. Từ việc hành tinh vận động ra sao, khí quyển hoạt động thế nào, tia vũ trụ có ảnh hưởng gì đến con người, cho tới chuyện vận hành vệ tinh, tính toán quỹ đạo, và cả việc khám phá sự sống ở hành tinh khác nữa.
Học ngành này rất... vui. Vui ở chỗ bạn sẽ được chạm vào những kiến thức mà không phải ai cũng hiểu, và càng học lại càng thấy tò mò hơn. Mỗi buổi học đều như một chuyến du hành trí tuệ ra ngoài không gian.
Bạn sẽ được học cách phân tích ảnh vệ tinh, hiểu nguyên lý vận hành của trạm không gian, mô phỏng chuyển động quỹ đạo, tìm hiểu vì sao Mặt Trời có thể gây nhiễu tín hiệu liên lạc, hay thậm chí là dự đoán thời tiết vũ trụ. Đây đều là điều mà các kỹ sư vệ tinh cực kỳ quan tâm.

Khoa học vũ trụ là ngành rất rộng.
Ngoài ra, nếu bạn thích lập trình, bạn có thể tham gia vào việc viết code điều khiển vệ tinh nhỏ, phân tích dữ liệu môi trường, hoặc xử lý tín hiệu GPS. Có thể bạn không bay lên vũ trụ, nhưng chắc chắn sẽ góp phần giúp cả thế giới hiểu hơn về những gì đang diễn ra ngoài kia.
Các lĩnh vực nghiên cứu hướng tới và định hướng ứng dụng như: Phân tích và thiết kế thiết bị không gian, điều khiển và công nghệ vệ tinh, vật liệu không gian, vật lý thiên văn, GIS, viễn tham…; cập nhật việc sử dụng từ công nghệ thế hệ mới về vũ trụ như: Định vị vệ tinh, trực quan dữ liệu không gian thời gian thực, công cụ phân tích và giải mã dữ liệu không gian, tới việc hiểu biết khoa học bề mặt trái đất và các hệ thống trái đất/thiên hà.
Học ở đâu?
Dù ở Việt Nam ngành này còn khá mới, nhưng đã có một vài đơn vị đào tạo hoặc tham gia nghiên cứu vũ trụ bài bản. Dưới đây là một số trường đào tạo ngành này, hoặc ngành gần giống mà bạn có thể tham khảo cùng điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT 2024
- Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) với ngành Công nghệ hàng không vũ trụ.
- Trường Đại học Khoa học và Công nghệ với ngành Khoa học Vũ trụ và Công nghệ Vệ tinh.
- Đại học Bách khoa Hà Nội với ngành Kỹ thuật Hàng không.
- Đại học Bách khoa TP.HCM với ngành Kỹ thuật Hàng không
- Học viện Bưu chính Viễn thông với ngành Kỹ thuật Điện tử viễn thông...

Một số trường đào tạo ngành Khoa học vũ trụ, hoặc ngành gần giống mà bạn có thể tham khảo cùng điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT 2024
Nếu muốn học chuyên sâu hơn nữa, bạn có thể đi du học ở các quốc gia có ngành vũ trụ mạnh như Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Đức...
Học xong ra làm gì?
Đây là phần nhiều bạn quan tâm nhất. Học ngành này ra, bạn có thể làm trong các lĩnh vực như:
- Phân tích dữ liệu ảnh vệ tinh cho nông nghiệp thông minh, giám sát rừng, phòng chống thiên tai
- Làm tại các trung tâm khí tượng, bản đồ số, đô thị thông minh
- Làm việc tại Trung tâm Vũ trụ, nghiên cứu chế tạo vệ tinh nhỏ, điều khiển trạm mặt đất
- Làm trong các dự án quốc tế của JAXA, ESA, startup công nghệ vũ trụ
- Dạy học, nghiên cứu thiên văn học nếu bạn thích hướng học thuật
Thậm chí nếu bạn giỏi về công nghệ, còn có thể startup với các sản phẩm ứng dụng dữ liệu vũ trụ. Có những startup dùng vệ tinh để đo lượng nước trong đất cho nông dân, dự đoán dịch bệnh, hay giám sát chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành này có rất nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Ai nên học ngành này?
Ngành này phù hợp với những bạn có tư duy logic, thích khám phá, không ngại học sâu. Bạn không cần phải là thiên tài vật lý, nhưng chắc chắn nên có tinh thần học hỏi và biết sống với con số. Nếu bạn yêu thiên văn, mê công nghệ, giỏi tính toán, hoặc luôn thích những câu hỏi kiểu "Vũ trụ có điểm cuối không?" thì hoàn toàn có thể theo đuổi.
Ngành này đang được dự đoán là "bùng nổ" trong 5 - 10 năm tới. Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ không gian. Từ năm 2013 đến nay, nước ta đã có các vệ tinh riêng do kỹ sư Việt thiết kế. Trong tương lai gần, việc điều hành vệ tinh, xử lý dữ liệu vũ trụ sẽ cần thêm nhiều nhân lực chất lượng cao.
Nói cách khác, nếu bạn bắt đầu học từ bây giờ, bạn sẽ trở thành thế hệ đầu tiên dẫn dắt lĩnh vực vũ trụ tại Việt Nam. Không phải chuyện viển vông nữa, mà là hành trình rất thật, rất cần thiết.
Học Khoa học Vũ trụ không chỉ để biết vũ trụ có bao nhiêu ngôi sao, mà còn để biến kiến thức thành công nghệ phục vụ Trái Đất. Đây là ngành học dành cho những người không ngại thử thách, dám nghĩ lớn và muốn để lại dấu ấn vượt ngoài biên giới địa cầu. Nếu bạn là kiểu người thích nhìn lên trời và tự hỏi liệu có ai đang nhìn lại mình không thì đừng ngần ngại, vũ trụ đang gọi bạn đấy.
Hoặc