Chính sách hợp lòng dân
Cách đây hai thập kỷ, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) vẫn còn là một vùng đất đầy gian khó, thiếu thốn cả về cơ sở hạ tầng lẫn điều kiện sống.
Nhưng hôm nay, vùng đất ấy đã mang trên mình một diện mạo mới – khởi sắc, đổi thay và tràn đầy hy vọng. Nền tảng cho sự chuyển mình mạnh mẽ này chính là những chính sách phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, làm động lực và mục tiêu phục vụ xuyên suốt.
Ít ai ngờ rằng Tu Mơ Rông – vùng đất từng bị chia cắt, hạ tầng gần như bằng không, dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào tự cung tự cấp nay đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Thành quả đó là kết tinh từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh Kon Tum cùng với quyết tâm nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biết: "Năm 2005, Tu Mơ Rông được tách từ huyện Đăk Tô để thành lập huyện mới. Khi đó, xuất phát điểm gần như là con số 0: hạ tầng yếu kém, giao thông cách trở, đời sống người dân bấp bênh, sản xuất còn manh mún, lạc hậu".

Theo ông Võ Trung Mạnh (người đang chỉ tay), Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, trong hai thập kỷ qua, với sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, tỉnh Kon Tum và huyện Tu Mơ Rông đã từng bước đổi thay.
Hơn 95% dân số Tu Mơ Rông là đồng bào Xơ Đăng, sống chủ yếu bằng canh tác nương rẫy truyền thống. Vùng đất thường xuyên chịu thiên tai, điển hình là bão số 9 năm 2009 gây thiệt hại nặng nề. Dù khó khăn, chính quyền và người dân đã cùng nhau xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Võ Trung Mạnh chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ, nếu cứ mãi phụ thuộc vào cây mì, cây lúa thì người dân sẽ không thể thoát nghèo. Tu Mơ Rông phải chọn cho mình một hướng đi riêng. Và con đường ấy chính là phát triển dược liệu, với cây sâm Ngọc Linh làm trọng tâm”.
Theo ông Mạnh, qua các kỳ đại hội Đảng, huyện đã xây dựng chiến lược phát triển theo hướng bền vững, lấy rừng làm gốc – phát triển mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, kết hợp với chăn nuôi và du lịch cộng đồng.
Từ định hướng đó, địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để phục hồi gần 2.000 ha rừng, đồng thời thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu.
Cùng với đó, chương trình OCOP được đẩy mạnh nhằm xây dựng thương hiệu cho sâm Ngọc Linh và các sản phẩm bản địa khác. Nhờ vậy, nhiều sản phẩm dược liệu của Tu Mơ Rông đã đạt chứng nhận chất lượng, từng bước chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, làng tái định cư Tu Thó, trở thành điểm đến du lịch lý tưởng.
Theo ông Mạnh, sau 20 năm, huyện đã có trên 4.000ha dược liệu, trong đó sâm Ngọc Linh chiếm hơn 3.000ha, lớn nhất nước. Có thể nói, nơi đây đã trở thành "cái nôi" sản sinh ra nhiều tỷ phú, triệu phú Xơ Đăng nhờ cây sâm.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng từ 18 triệu đồng năm lên 47 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách từ 40 tỷ đồng tăng gần 70 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ trên 70% khi mới thành lập còn dưới 30% hiện nay.
Cuộc sống khởi sắc
Già làng A Dum (thôn Lê Văng, xã Đăk Na) là người chứng kiến rõ nhất những đổi thay của vùng đất này. Trước đây, bà con chỉ biết trồng mì, trồng lúa, cuộc sống khó khăn. Nhờ chính quyền hỗ trợ chuyển sang trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu, đời sống người dân đã cải thiện rõ rệt.

Già làng A Dum (thôn Lê Văng, xã Đăk Na) cảm ơn chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho bà con.
Già làng A Dum xúc động chia sẻ: "Trước đây, thôn Lê Văng đi lại rất khó khăn, giờ thì có điện, có mạng giúp con cháu học hành và tiếp cận thông tin. Những hủ tục lạc hậu dần bị xóa bỏ, người dân ngày càng văn minh, đoàn kết hơn. Tôi rất biết ơn chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Người dân giờ yên tâm làm ăn, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Nhà nước".

Anh A Blinh (ngụ xã Đăk Na) là một trong những người vươn lên thoát nghèo nhờ được chính quyền hỗ trợ trồng sâm Ngọc Linh.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, chia sẻ với phóng viên câu chuyện đổi đời của ông A Tôn (thôn Tu Thó, xã Măng Ri).
Trước đây là hộ nghèo, cuộc sống gia đình ông Tôn chỉ dựa vào rẫy mì, rẫy bắp, bữa đói bữa no. Tuy nhiên, từ khi tham gia mô hình trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng vào năm 2018, cuộc sống đã dần khởi sắc.

Vợ ông A Tôn cùng các thành viên trong gia đình nhân rộng vườn sâm tiền tỷ.
Ông Tôn cho biết, ban đầu được hỗ trợ vài chục cây giống để trồng thử. Sau 3 năm, sâm bắt đầu cho củ và giống, ông nhân rộng lên hơn 500 gốc.
“Năm rồi tôi bán sâm giống được hơn 100 triệu đồng, chưa kể sâm con, lá sâm người ta đến tận nơi mua. Nhờ đó, tôi sửa lại nhà, mua thêm bò, con cái đi học không còn vất vả như trước", ông Tôn vui mừng kể.
Giờ đây, ngoài vườn sâm xanh tốt, ông còn nhiệt tình hướng dẫn bà con cùng thôn kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm để giữ gìn chất lượng giống quý.

Ông A Sỹ (xã Tê Xăng), một trong những người được người làng gọi với cái tên "Vua sâm".
Ông A Sỹ, xã Tê Xăng, được người dân trong làng gọi thân mật là “Vua sâm” bởi là người tiên phong đưa sâm Ngọc Linh lên trồng dưới tán rừng và gắn bó với cây dược liệu quý này từ những ngày đầu.
Ông kể, gần 10 năm trước, khi được cán bộ khuyến nông vận động tham gia mô hình trồng sâm, ông còn e ngại vì quen trồng mì, trồng bắp, còn sâm thì lạ lẫm và cho thu hoạch chậm. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định thử sức với vài chục gốc và ngày ngày tự tay lên rừng chăm sóc.
Ngồi trên chiếc ô tô bán tải đắt tiền chở chúng tôi lên thăm vườn sâm, ông Sỹ vui vẻ chia sẻ: “Hiện tại, mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Giờ nhà có cái ăn, cái mặc, con cái được học hành đầy đủ".

Người dân huyện Tu Mơ Rông thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng sâm.
Đến nay, ông đã phát triển được khoảng 300.000 cây sâm trên diện tích 30ha.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông A Sỹ còn giúp đỡ cộng đồng bằng cách thành lập 13 tổ liên kết trồng sâm với sự tham gia của khoảng 260 hộ dân đồng bào Xơ Đăng.
Ông hỗ trợ kỹ thuật, cây giống và tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần giúp hàng trăm hộ thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Tu Mơ Rông không chỉ đổi mới về cảnh quan mà còn thay đổi tư duy, phong cách sống, từng bước khẳng định vị thế huyện miền núi phát triển bền vững nhờ sự phối hợp giữa chính quyền và người dân.
Hoặc