Chiều tối 3/7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, người phát ngôn Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản thông tin việc điều tra triệt phá đường dây sản xuất dầu ăn Ofood cho người từ dầu ăn chăn nuôi.
Theo Thiếu tướng Toản, đây là vụ án “rất nguy hiểm, chưa thể đánh giá hết hệ luỵ đến sức khỏe người tiêu dùng”.
Đến nay, Bộ Công an đã bắt và khởi tố Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food Đặng Thị Phương (sinh năm 1987) với cáo buộc biến hàng chục nghìn tấn dầu ăn chăn nuôi thành thực phẩm cho người.
Ngoài ra, hai đối tượng khác liên quan là Nguyễn Trọng Năng (điều hành, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH sản xuất và thương mại An Dương) và Đỗ Thị Ngọc Mai (người đại diện pháp luật Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu An Hưng Phước và Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Phước Thành) đã bị bắt về tội Buôn lậu.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản thông tin về vụ án triệt phá đường dây sản xuất dầu ăn Ofood cho người từ dầu ăn chăn nuôi
“Qua đây cho thấy, diễn biễn còn rất phức tạp. Thủ đoạn vi phạm hết sức tinh vi từ khâu chuẩn bị, thành lập công ty bình phong, hệ sinh thái, đến hoạt động nhập nguyên liệu, sản xuất hàng giả, tổ chức quảng cáo, tiêu thụ”, người phát ngôn Bộ Công an cho biết
Theo cơ quan điều tra, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food nhập khẩu dầu thực vật dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau đó làm giả nhãn mác thành dầu ăn mang thương hiệu OFOOD để đưa ra thị trường dùng cho người. Số lượng dầu giả đã bán lên tới hàng chục nghìn tấn, chủ yếu phân phối đến các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng và làng nghề chế biến thực phẩm.
Cục An toàn Thực phẩm hôm 25/6 cho rằng số dầu giả này "nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng". Dầu dùng trong chăn nuôi bản chất là dầu thô được ép từ nguyên liệu như lạc, đậu tương nhưng chưa trải qua quá trình tinh lọc đầy đủ. Loại dầu này có thể chứa nhiều tạp chất và độc tố không phù hợp cho con người sử dụng. Nếu ăn phải loại dầu này trong thời gian dài, người dùng có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như ngộ độc, tổn thương gan, thận, tích lũy các chất độc hại trong cơ thể, thậm chí tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính...
Cục khuyến cáo cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là bếp ăn tập thể và đơn vị cung cấp suất ăn sẵn, khi sử dụng dầu cần yêu cầu nhà cung cấp làm rõ hồ sơ công bố cũng như hồ sơ nguyên liệu, không chỉ dựa vào bao bì, nhãn mác.
"Các cơ sở không được sử dụng nguyên liệu không đúng mục đích công bố trong chế biến thực phẩm, kể cả khi có đủ hóa đơn, chứng từ", đại diện Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh. Khi phát hiện điểm đáng ngờ, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng.

Dầu ăn OFood được làm từ dầu ăn chăn nuôi
Hệ sinh thái doanh nghiệp dày đặc
Thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food (Công ty Nhật Minh Food) được thành lập vào tháng 11/2018 với tên ban đầu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nhật Minh Phương.
Công ty đăng ký trụ sở chính tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính đăng ký ban đầu là bán buôn đồ uống, cụ thể là bán buôn rượu mạnh, rượu vang, bia, đồ uống không chứa cồn, nước khoáng thiên nhiên, nước tinh khiết đóng chai.
Vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 1,8 tỷ đồng. 3 cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp gồm bà Đặng Thị Phương góp 900 triệu đồng (tương đương 50% vốn góp), ông Nguyễn Hạ Đông góp 450 triệu đồng (25% vốn) và bà Ngô Thị Bình góp 450 triệu đồng (25% vốn góp). Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Phương (sinh năm 1987).
Tháng 7/2021, công ty này đổi tên thành Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food. Cơ cấu cổ đông cũng có sự thay đổi trong đó bà Đặng Thị Phương góp 1,08 tỷ đồng (60% vốn góp) và ông Nguyễn Hạ Đông góp 720 triệu đồng (40% vốn góp).
Thông tin kê khai thuế tại thời điểm này cho thấy doanh nghiệp có 5 lao động.
Đến tháng 11/2022, công ty này thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang sản xuất dầu, mỡ động vật, sản xuất dầu, bơ thực vật. Tháng 5/2023, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ lên 8,8 tỷ đồng nhưng không công bố thành viên góp vốn.
Ngoài là thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food, bà Đặng Thị Phương còn là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Vina Win. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 8/2023. Trụ sở chính đặt tại khu D, khu công nghiệp Phố Nối A, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Thông tin về Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food
Công ty có vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng. 3 thành viên góp vốn gồm Chu Thị Thanh Huyền góp 2,25 tỷ đồng (25% vốn góp), Trần Thanh Vinh góp 4,5 tỷ đồng (50%), Đào Thị Thu Huyền góp 2,25 tỷ đồng (25% vốn).
Lúc mới thành lập doanh nghiệp, bà Đào Thị Thu Huyền là Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Tháng 11/2024, thành viên góp vốn có sự thay đổi trong đó ông Phạm Duy Nơi góp 2,97 tỷ đồng (33% vốn), ông Lê Văn Phượng góp 2,97 tỷ đồng (33%) và bà Đặng Thị Phương góp 3,06 tỷ đồng (34%). Vị trí Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật cũng được chuyển từ bà Huyền sang bà Phương.
Trước đó, vào tối muộn ngày 24/6, khán giả cả nước bàng hoàng khi theo dõi bản tin điều tra đặc biệt trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), hé lộ một đường dây sản xuất dầu ăn giả có quy mô lớn, hoạt động tinh vi và được tổ chức bài bản. Trong tâm điểm của vụ việc là nhãn hiệu dầu ăn Ofood, vốn được quảng cáo rầm rộ là sản phẩm bổ sung vitamin A, nhưng thực chất lại là loại dầu rẻ tiền, vốn chỉ dành cho chăn nuôi, được “phù phép” để đi vào các bếp ăn công nghiệp và làng nghề sản xuất thực phẩm.
Tại hiện trường, cơ quan điều tra tỉnh Hưng Yên đã thu giữ hơn 1.000 tấn dầu không rõ nguồn gốc, nghi là dầu nguyên liệu sử dụng cho thức ăn chăn nuôi nhưng được đóng gói thành dầu ăn cho người. Đây được xem là lượng tang vật lớn chưa từng có trong một vụ án sản xuất dầu giả ở miền Bắc.
Cùng với việc thu giữ hàng hóa, công an cũng đã khởi tố 3 bị can, được xác định là những người cầm đầu, điều hành đường dây này. Các bị can bị truy tố về các tội danh: Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và buôn lậu. Đáng chú ý , ước tính doanh thu trong 3 năm gần đây của các công ty lên tới hơn 8.200 tỷ đồng.
Hoặc