Phải đi làm rồi kiếm được tiền thì mới có cái mà để dành được chứ?
Đây là suy nghĩ của phần lớn chúng ta nhưng sự thật là có những trường hợp ngoại lệ: Vẫn còn đang đi học, chưa tham gia vào thị trường lao động nhưng vẫn tiết kiệm được khối. Thậm chí, còn nhiều hơn hẳn những anh chị đã có thâm niên đi làm.
Tâm sự của cô gái 19 tuổi trong câu chuyện dưới đây là một "ngoại lệ" như vậy.
Tiết kiệm từ năm lớp 16 tuổi, 19 tuổi có 130 triệu!
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, cô bạn cho biết bản thân tiết kiệm từ năm lớp 10 (16 tuổi), chủ yếu đến từ tiền thưởng lúc đi học cùng một vài khoản khác như tiền bố mẹ, ông bà cho tiêu vặt hoặc tiền lì xì.
Hiện tại ở độ tuổi 19, cô đã tiết kiệm được 130 triệu và đang băn khoăn chưa biết nên làm gì để tối ưu khoản tiền này.

16.700 người "thả tim" cho nỗ lực đáng nể của cô gái này (Ảnh chụp màn hình)
Trong phần bình luận của bài đăng, có người khuyên cô nên trích một phần để mua vàng, một phần để đầu tư cho việc học hành, phát triển bản thân, vì dù sao cũng đang là sinh viên, học không bao giờ là thừa. Bên cạnh đó, cũng có không ít đàn anh, đàn chị thành thật bày tỏ bản thân... thua xa cô gái này, vì đi làm cũng mấy năm rồi nhưng 10 triệu còn chưa tiết kiệm được chứ nói gì tới cả trăm triệu...
"24 tuổi đi làm gần 2 năm, lương 11 triệu/tháng, đọc bài này của em xong nhìn lại số dư, tự nhiên chị thấy nhói lòng... Sinh năm 2006 là mới 19 tuổi mà tiết kiệm được nhiêu đó là giỏi rồi, nhưng để đó mà mua laptop, đóng tiền học chứ đừng ham đầu tư kẻo mất sạch. Chưa chắc kiến thức đầu tư thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng là an toàn nhất, cũng đừng ham kinh doanh vì việc chính vẫn là học nha bé" - Một người bày tỏ.
"Quan trọng nhất là em phải để dành ra quỹ khẩn cấp phòng thân bằng khoảng 3-6 tháng số tiền sinh hoạt phí. Khoản này thì em có thể gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn 1-2 tháng để khi cần rút ra cho tiện.
Phần còn lại thì em chia 3 phần:
- 1 phần gửi tiết kiệm dài hạn
- 1 phần dành để đóng học phí hoặc đi học thêm ngoại ngữ, các chứng chỉ liên quan đến ngành học
- 1 phần mua vàng. Nếu ở thuê thì nên nhờ bố mẹ giữ vàng hộ cho yên tâm
Nói chung còn đang đi học thì phân bổ như thế là an toàn nhất" - Một người khác khuyên.
"Đỉnh thật sự, tiết kiệm 3 năm được 130 triệu trong khi chưa đi làm. Mình đi làm hơn 3 năm tiết kiệm chưa bằng 1 nửa..." - Một người khác thán phục.
Có tiền tiết kiệm rồi thì làm gì tiếp theo?
1 - Chia tiền thành các "ngăn" có mục đích
Thay vì gom hết tiền tiết kiệm vào một tài khoản và giữ đó cho yên tâm, bạn nên chia nhỏ khoản tiền ấy thành từng phần với mục đích cụ thể.

Ảnh minh họa
- Một phần dành cho những tình huống khẩn cấp như mất việc, ốm đau, hoặc sự cố bất ngờ trong cuộc sống.
- Một phần khác được để dành cho các kế hoạch dài hạn như nghỉ hưu, mua nhà, hoặc học thêm kỹ năng.
- Một phần có thể được phân bổ cho các mục tiêu ngắn hạn như du lịch, nâng cấp thiết bị cá nhân.
Nếu có điều kiện hơn, một phần trong số đó nên được dành để đầu tư, không cần quá rủi ro, nhưng phải đủ để tiền có cơ hội sinh lời thay vì nằm yên.
Khi chia nhỏ theo từng "ngăn" như vậy, mỗi đồng tiền bạn giữ lại sẽ trở nên có lý do và có điểm đến rõ ràng. Cảm giác tiết kiệm không còn mơ hồ, mà trở nên cụ thể, dễ theo dõi và có động lực hơn.
2 - Thường xuyên theo dõi, điều chỉnh
Mỗi giai đoạn trong cuộc sống, chúng ta sẽ có những ưu tiên khác nhau, và số tiền bạn cần cho từng mục tiêu cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Khoản tiết kiệm vì thế cũng sẽ thay đổi.
Thế nên định kỳ mỗi 6 tháng hoặc mỗi năm, bạn nên xem lại việc phân bổ tiền tiết kiệm của mình: Có mục tiêu nào chưa đạt được, có khoản nào nên rút ra để tái đầu tư hoặc sử dụng hay không?
Khi chủ động nhìn lại và điều chỉnh, bạn không chỉ giữ được tiền mà còn kiểm soát được cách tiền vận hành trong cuộc sống của mình. Và khi tiền vận hành tốt, bạn cũng có tâm lý vững vàng hơn để đưa ra các quyết định lớn mà không bị cảm giác lo thiếu hụt ám ảnh.
Tiết kiệm chỉ là bước đầu. Biết cách phân bổ và tối ưu tiền tiết kiệm mới là điều giúp bạn tiến xa hơn về mặt tài chính theo đúng cách của mình, chậm mà chắc.
Hoặc