145 dự án, công trình lớn có nguy cơ thất thoát, lãng phí vào diện thanh tra

Admin

27/07/2025 12:30

Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra 145 dự án của bộ ngành có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng và dự án của địa phương có mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 1505 thanh tra chuyên đề các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.

Phạm vi thanh tra là các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc lớn, phức tạp, quá trình đầu tư xây dựng kéo dài, có quy mô lớn, có thể có sai phạm.

Không tiến hành thanh tra đối với: Các công trình, dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, điều tra, bản án; Các công trình, dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư hoặc chưa tiến hành đầu tư xây dựng; Các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách pháp luật thay đổ; Các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục và có quy mô nhỏ.

145 dự án, công trình lớn có nguy cơ thất thoát, lãng phí vào diện thanh tra- Ảnh 1.

Trụ sở mới của Bộ Ngoại giao trên đường Lê Quang Đạo (Hà Nội) là 1 trong 145 dự án, công trình sẽ được Thanh tra Chính phủ trực tiếp thanh tra.

Theo kế hoạch, Thanh tra Chính phủ trực tiếp tiến hành thanh tra 145 dự án của các bộ, ngành Trung ương và các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc bộ, ngành quản lý, có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng; thanh tra một số dự án lớn của các địa phương có tổng mức đầu tư trên 1.500 tỷ đồng.

Với các bộ, ngành trung ương: Bộ Tài chính (5 dự án), Bộ Nông nghiệp và Môi trường (4 dự án), Bộ Xây dựng (8 dự án), Bộ Công Thương (6 dự án), Bộ Giáo dục và Đào tạo (5 dự án), Bộ Ngoại giao (1 dự án), Bộ Dân tộc và Tôn giáo (1 dự án), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2 dự án), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (1 dự án); Tập đoàn, tổng công ty (12 dự án).

Với các địa phương: Phú Thọ (6 dự án), Thái Nguyên (2 dự án), Ninh Bình (6 dự án), Tuyên Quang (5 dự án), Lạng Sơn (1 dự án), Lào Cai (3 dự án), Quảng Ninh (3 dự án), Thanh Hóa (1 dự án), Khánh Hòa (15 dự án), Hà Tĩnh (4 dự án), Quảng Trị (5 dự án), Quảng Ngãi (3 dự án), Đắk Lắk (2 dự án), Lâm Đồng (1 dự án), Đà Nẵng (5 dự án), TP.HCM (20 dự án), Đồng Nai (8 dự án), Tây Ninh (2 dự án), An Giang (3 dự án), Đồng Tháp (1 dự án), Cần Thơ (4 dự án).

Kế hoạch nêu rõ, Thanh tra Bộ Quốc phòng trực tiếp tiến hành thanh tra đối với 3 dự án thuộc thẩm quyền trong danh sách các dự án có khó khăn, vướng mắc.

Cùng đó, thanh tra các tỉnh, thành phố trực tiếp tiến hành thanh tra 750 dự án trên địa bàn có tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, ngoài các dự án Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Quốc phòng trực tiếp thanh tra.

Cụ thể từng địa phương: Bắc Ninh (27 dự án), Điện Biên (1 dự án), Hà Giang (1 dự án), Hưng Yên (7 dự án), Lạng Sơn (2 dự án), Lào Cai (15 dự án), Ninh Bình (40 dự án), Phú Thọ (37 dự án), Quảng Ninh (5 dự án), Sơn La (8 dự án), Thái Nguyên (51 dự án), Hà Nội (21 dự án), Hải Phòng (4 dự án), Tuyên Quang (17 dự án), Đắk Låk (17 dự án), Gia Lai (2 dự án), Hà Tĩnh (35 dự án), Khánh Hòa (68 dự án), Nghệ An (13 dự án), Quảng Ngãi (28 dự án), Quảng Trị (8 dự án), Thanh Hóa (4 dự án), Đà Nẵng (6 dự án), Huế (3 dự án), Lâm Đồng (30 dự án), An Giang (92 dự án), Cà Mau (12 dự án), Đồng Nai (77 dự án), Đồng Tháp (4 dự án), Tây Ninh (3 dự án), Cần Thơ (5 dự án), TP.HCM (94 dự án) và Vĩnh Long (13 dự án).

Thời kỳ thanh tra từ khi triển khai công trình, dự án đến ngày 1/7/2025. Trường hợp cần thiết, có thể xem xét nội dung liên quan đến trước hoặc sau thời kỳ thanh tra nêu trên.

Thanh tra Chính phủ cho biết, tiến hành thanh tra chuyên đề các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nhằm xác định nguyên nhân khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án; phát hiện hạn chế, bất cập của chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; xác định trách nhiệm và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).

Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra chuyên đề các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.