1 vật dụng quen thuộc trong nhà có thể thải ra hàng trăm hạt vi nhựa: 4 điều cần làm để giảm nguy cơ

Admin

24/07/2025 00:02

Vật dụng này là nguồn phát tán vi nhựa ít ai ngờ tới.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga,  Bộ Quốc phòng, vi nhựa là những hạt nhựa cực nhỏ, đường kính dưới 5mm. Vi nhựa được chia thành hai loại:

- Vi nhựa sơ cấp: được sản xuất với kích thước nhỏ ngay từ đầu, như microbeads trong mỹ phẩm, viên nhựa công nghiệp.

- Vi nhựa thứ cấp: hình thành do phân rã từ các sản phẩm nhựa như chai nước, túi nylon, sơn, vải sợi tổng hợp,...

"Thủ phạm" phát tán vi nhựa thầm lặng trong gia đình

Theo bác sĩ Hoàng, cơ thể phơi nhiễm vi nhựa qua 3 con đường chính: đường tiêu hóa, đường hô hấp và tiếp xúc qua da. Bác sĩ Huy Hoàng lưu ý, trong gia đình, rèm cửa - đặc biệt là loại làm từ polyester, nylon hoặc acrylic - có thể là nguồn phát tán vi nhựa ít ai ngờ tới. Quá trình sử dụng và giặt giũ khiến sợi vải tổng hợp bị mài mòn, gãy vỡ, phát tán ra môi trường dưới dạng vi hạt hoặc sợi siêu nhỏ.

Một nghiên cứu đăng trên Environment International (2023) cho thấy, các loại vải tổng hợp trong nhà - bao gồm rèm cửa - có thể phát tán hàng trăm hạt vi nhựa/m³ không khí, đặc biệt trong phòng kín. Nghiên cứu của Đại học Utrecht (Hà Lan) năm 2022 cũng phát hiện vi nhựa trong máu người và đặt ra nghi vấn rằng các vật dụng gia đình như rèm cửa có thể là một trong những nguồn phát tán những hạt nhựa siêu nhỏ này.

1 vật dụng quen thuộc trong nhà có thể thải ra hàng trăm hạt vi nhựa: 4 điều cần làm để giảm nguy cơ- Ảnh 1.

Rèm cửa là nguồn phát tán vi nhựa ít ai ngờ tới (Ảnh minh hoạ).

Vi nhựa và những nguy cơ với sức khỏe con người

Bác sĩ Hoàng cảnh báo, hạt vi nhựa có thể gây ra nhiều lo ngại cho sức khỏe. Thành phần chính của vi nhựa là polymer nhưng chúng thường chứa hàng trăm phụ gia như BPA, phthalates (chất gây rối loạn nội tiết), chất chống cháy, chất tạo màu...

Ngoài ra, bề mặt vi nhựa còn dễ hấp phụ các chất ô nhiễm như kim loại nặng (chì, thủy ngân), thuốc trừ sâu, PCB (polychlorinated biphenyl),... gây ra những mối nguy tiềm ẩn đối với sức khỏe.

Bác sĩ Hoàng cho biết thêm, vi nhựa có thể:

- Gây viêm, stress oxy hóa và tổn thương tế bào ở ruột, gan, phổi;

- Rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, ảnh hưởng tiêu hóa và miễn dịch;

- Rối loạn nội tiết, giảm chất lượng tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản;

- Tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ở gan, ruột và phổi;

- Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ vì vi nhựa đã được phát hiện trong nhau thai và sữa mẹ.

Một nghiên cứu năm 2023 còn phát hiện vi nhựa hiện diện trong mô phổi sống ở người. Đến năm 2024, các nhà khoa học tiếp tục tìm thấy dấu vết vi nhựa trong mạch vành của những người tử vong do nhồi máu cơ tim. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về mối liên hệ giữa vi nhựa và bệnh lý tim mạch.

Làm gì để giảm nguy cơ hít phải vi nhựa từ rèm cửa?

Để giảm phơi nhiễm vi nhựa từ rèm cửa và trong không gian gia đình, bác sĩ Hoàng khuyến nghị người dân nên làm đồng thời 4 việc sau đây:

- Chọn rèm vải tự nhiên như cotton, lanh, tơ tằm thay vì polyester hay nylon.

- Giặt rèm đúng cách: Dùng túi giặt lọc sợi, giảm tần suất giặt, không giặt bằng nước nóng.

- Vệ sinh không gian sống thường xuyên: Hút bụi định kỳ, nhất là khu vực quanh rèm, thảm, sofa.

- Thông gió và lọc không khí: Mở cửa đón khí trời nếu môi trường cho phép; cân nhắc sử dụng máy lọc không khí có màng lọc HEPA.