Mới đây, một nữ sinh năm cuối trường top tại Trung Quốc đã chia sẻ trải nghiệm thật mà như đùa. Theo đó, cô bạn bị loại khỏi vòng xét tuyển chỉ vì một từ trong CV. Và điều đáng nói là rất nhiều bạn trẻ khác cũng đang vô tư mắc đúng lỗi này.
Cô bạn ấy ứng tuyển vào vị trí thực tập tại một công ty truyền thông có tiếng. Hồ sơ không tệ khi điểm GPA ổn, có hoạt động CLB, từng làm dự án nhóm và tiếng Anh khá tốt. Thế nhưng chưa đầy 24 giờ sau khi gửi hồ sơ, cô nhận được phản hồi từ chối với lời lẽ lịch sự nhưng không rõ lý do. Quá bất ngờ, cô đã nhắn hỏi trực tiếp bộ phận nhân sự và nhận được một câu trả lời ngắn gọn mà khiến ai nghe cũng phải giật mình: "CV của bạn ghi từ 'học hỏi' trong phần mô tả kinh nghiệm làm việc. Với chúng tôi, đó là dấu hiệu của một ứng viên thụ động".
Chỉ một chữ "học hỏi", tưởng như vô hại, lại đủ khiến nhà tuyển dụng gạt hồ sơ sang một bên.

Bạn phải chuẩn bị 1 bản CV thật chỉn chu.
Nghe thì có vẻ hơi nặng tay. Bởi rõ ràng, đi thực tập là để học hỏi chứ còn gì nữa. Nhưng từ góc nhìn của nhà tuyển dụng, ngôn ngữ bạn sử dụng trong CV cho thấy cách bạn nhìn nhận bản thân. Một người viết học hỏi thường bị hiểu là đang ở thế bị động, chờ người khác chỉ dẫn, không thể hiện được khả năng đóng góp cụ thể nào. Trong khi đó, điều họ cần là một người dám làm, dám nhận việc và biết mô tả mình đang ở đâu trên hành trình học tập và làm việc.
Rất nhiều sinh viên hiện nay vẫn viết CV theo kiểu mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm hoặc muốn được làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp. Nghe thì có vẻ khiêm tốn, nhưng lại làm cho bạn trở nên nhạt nhòa và mờ vai trò. Vì nhà tuyển dụng không tìm người đến để được dạy, họ tìm người sẵn sàng làm việc thật sự.
Vậy viết thế nào mới đúng?
Thay vì nói học hỏi, hãy chuyển sang ngôn ngữ hành động. Ví dụ, thay vì viết "Thực tập tại công ty X để học hỏi kỹ năng truyền thông", bạn có thể viết "Tham gia biên tập nội dung fanpage của công ty X, phối hợp lên kế hoạch đăng bài theo tuần". Hoặc thay vì ghi "Làm cộng tác viên để học hỏi kỹ năng làm việc nhóm", hãy viết "Hỗ trợ điều phối nhóm tổ chức sự kiện CLB, đóng vai trò liên hệ với nhà tài trợ". Những cách diễn đạt này không chỉ rõ ràng mà còn cho thấy bạn là người chủ động và biết mình đang làm gì.
Ngoài chữ học hỏi, một số từ khác cũng nên tránh vì dễ gây cảm giác thiếu quyết đoán như "phụ giúp", "làm các công việc được giao", "tham gia một chút" hay "có cơ hội làm quen với". Những từ này khiến người đọc không hình dung được bạn có vai trò gì trong công việc, thậm chí còn nghĩ rằng bạn chỉ đứng bên lề.

Thay vì nói học hỏi, hãy chuyển sang ngôn ngữ hành động.
Ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc chính thức, bạn vẫn có thể viết CV tốt nếu biết cách mô tả hoạt động mình từng tham gia. Đừng chỉ ghi là đi làm thêm để học hỏi kỹ năng giao tiếp, mà hãy nói rõ bạn tư vấn khách hàng, xử lý đơn hàng, hỗ trợ bán hàng vào dịp cao điểm và giúp cửa hàng tăng doanh số. Càng cụ thể bao nhiêu, CV của bạn càng có sức thuyết phục bấy nhiêu.
Trở lại với câu chuyện của nữ sinh năm cuối kia, đó là một cú sốc nhỏ nhưng cũng là bài học lớn. Cô chia sẻ rằng sau lần đó, cô đã sửa lại toàn bộ CV, chuyển từ lối viết mô tả chung chung sang lối viết tập trung vào hành động và kết quả. Và lần nộp hồ sơ sau, cô nhận được cuộc gọi mời phỏng vấn chỉ trong hai ngày.
Nhà tuyển dụng ngày nay không tìm người chỉ biết nói em sẵn sàng học hỏi. Họ cần người biết học, biết làm và biết đóng góp. Viết CV không chỉ là ghi lại quá khứ, mà là cách bạn chứng minh rằng mình đủ năng lực và chủ động để bắt đầu hành trình phía trước.
Chỉ một từ sai, bạn có thể đánh mất cơ hội. Nhưng nếu để tâm từ ngữ và thể hiện đúng giá trị bản thân, cánh cửa sự nghiệp chắc chắn sẽ mở ra rộng hơn bạn nghĩ.
Hoặc