Vết sẹo từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ

08/06/2023 12:30

Mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính như hồi 2008 đã không còn. Nhưng vết thương vẫn đang âm ỉ trong ngành ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Theo Bloomberg, sau những tuần biến động của đầu năm nay, hàng loạt ngân hàng Mỹ với tổng tài sản 500 tỷ USD đã sụp đổ. Các vụ phá sản nối tiếp nhau làm dấy lên lo ngại rằng kịch bản của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ lặp lại.

Những lo ngại đó đã qua đi. Nhưng câu hỏi đặt ra là sự cố của một loạt ngân hàng sẽ ảnh hưởng thế nào đến toàn bộ hệ thống và nền kinh tế. Và liệu các phản ứng của chính phủ có mang đến nhiều rắc rối hơn?

Nhiều tuần chao đảo

Tháng 3 năm nay, giới đầu tư chao đảo vì các ngân hàng Mỹ nối đuôi nhau sụp đổ. Các sự cố xảy ra chỉ trong vỏn vẹn vài ngày. Đầu tiên là Silvergate Capital do dấn thân quá sâu vào ngành công nghiệp tiền mã hóa.

Giữa buổi sáng 10/3, Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 17 tại Mỹ - cũng bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa. Niềm tin của nhà đầu tư bị thiêu rụi sau sự sụp đổ đột ngột và kinh hoàng. Đây là vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Ngày 12/3, Signature Bank trở thành ngân hàng lớn thứ 3 phá sản tại Mỹ. Theo sau là sự sụp đổ của First Republic Bank hôm 1/5.

Trên thực tế, các ngân hàng được yêu cầu duy trì những tài sản có tính thanh khoản cao để có thể rút ra trong trường hợp khẩn cấp. Một trong số những khoản đầu tư an toàn này là trái phiếu kho bạc Mỹ.

Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, giá trị thị trường của các trái phiếu hiện có (lãi suất thấp hơn) sẽ giảm xuống. Điều đó khiến chúng trở nên kém hấp dẫn so với những trái phiếu mới phát hành trả lãi cao hơn.

Tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng Mỹ đã ghi nhận khoản lỗ chưa thực hiện lên tới 620 tỷ USD đối với trái phiếu kho bạc.

ngan hang sup do anh 1

Các ngân hàng Mỹ nối nhau sụp đổ trong tháng 3. Ảnh: Bloomberg.

Đối với một số ngân hàng, khoản lỗ chưa thực hiện đó không chỉ ở trên giấy tờ. Nhiều nhà băng phải bán các trái phiếu này với mức giá thấp để trả tiền cho người gửi.

Tình thế này trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với một số ngân hàng cỡ trung và ngân hàng khu vực, chẳng hạn SVB và First Republic.

Khi niềm tin lung lay, những người gửi tiền đã nhanh chóng rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ hơn, và gửi vào những tổ chức tài chính lớn nhất đất nước.

Các ngân hàng khu vực thường phục vụ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một phần lớn tiền gửi của họ nằm trong các tài khoản doanh nghiệp, vượt xa giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC).

Riêng đối với SVB, tỷ lệ này là 94%. Và lỗ hổng này đã phình to sau khi SVB báo cáo khoản lỗ đầu tư trái phiếu 2 tỷ USD.

Chính phủ Mỹ vào cuộc quá nhanh - lợi hay hại?

Trong thời đại của truyền thông xã hội, tin xấu lan nhanh với tốc độ chóng mặt. 42 tỷ USD đã bị rút khỏi SVB trong vỏn vẹn một ngày.

Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng vào cuộc. FDIC dùng quyền hạn khẩn cấp của mình để chi trả cho tất cả khoản tiền gửi tại SVB và Signature.

Trong khi đó, Fed đã cho các ngân hàng vay hàng chục tỷ USD với những điều khoản có lợi, nhằm đảm bảo rằng họ sẽ không phải bán tài sản để trả tiền gửi cho khách hàng.

Chính FDIC là bên trung gian cho thương vụ thâu tóm giữa First Republic và JPMorgan Chase & Co. - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Cơ quan này thậm chí còn đồng ý gánh chung khoản lỗ của JPMorgan đối với các tài sản của First Republic.

ngan hang sup do anh 2

Việc FDIC đứng ra trả tiền gửi cho khách hàng và chương trình cho vay khẩn cấp của Fed đều bị chỉ trích. Một số chuyên gia cho rằng các động thái này sẽ tạo ra rủi ro đạo đức bằng cách giảm nhẹ tác động tiêu cực của sự yếu kém trong quản lý. Ảnh: Bloomberg.

Giới chức Washington đã hứng chịu chỉ trích, bắt đầu từ việc Fed buộc phải tăng lãi suất điều hành với tốc độ chóng mặt. Lẽ ra, họ có thể tránh được kịch bản này bằng cách vào cuộc sớm hơn để kìm hãm lạm phát.

Một số khác chỉ trích các quy định được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Luật này miễn cho nhiều ngân hàng khu vực khỏi sự giám sát tài chính khắt khe bậc nhất.

Kể từ đó đến nay, Tổng thống Joe Biden và một số quan chức đã kêu gọi quay trở lại chế độ quản lý chặt chẽ hơn.

Thêm vào đó, việc FDIC đứng ra trả tiền gửi cho khách hàng và chương trình cho vay khẩn cấp của Fed đều bị chỉ trích. Một số chuyên gia cho rằng các động thái này sẽ tạo ra rủi ro đạo đức bằng cách giảm nhẹ tác động tiêu cực của sự yếu kém trong quản lý.

Trong khi đó, cái giá của sự can thiệp từ phía FDIC sẽ do các ngân hàng khác phải gánh chịu.

Tình trạng rối ren trong ngành ngân hàng suốt những tháng qua sẽ tạo động lực cho xu hướng hợp nhất trong ngành về lâu dài. Các mối quan hệ cá nhân của những ngân hàng vừa và nhỏ trở nên vô ích trong bối cảnh khủng hoảng và lãi suất tăng cao.

Nhiều nhà băng, nhất là những ngân hàng khu vực, đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay sau khủng hoảng. Điều này làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái bởi đây là nguồn vay chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bạn đang đọc bài viết "Vết sẹo từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.