Độc đáo giải pháp bảo quản nông sản mùa nắng nóng của nông dân Ấn Độ

06/12/2022 20:01

Những đợt nắng nóng kéo dài do biến đổi khí hậu khiến nông dân Ấn Độ nhiều phen lao đao vì nông sản làm ra nhanh chóng bị hỏng, không bán được.

Đối với bà Lalmuankimi Bawitlung, một nông dân Ấn Độ, mỗi vụ cam là một cuộc chạy đua với thời gian.

Năm ngoái, người phụ nữ 38 tuổi, phải vứt bỏ khoảng 1/3 trong số cam mà bà thu hoạch được vì nắng nóng làm cho cam quá chín hoặc thối rữa, không bán được.

“Năm nào tôi cũng phải bán tống bán tháo để vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Nắng nóng ngày càng tăng khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn”, người phụ nữ sống ở ngôi làng Kawnzar, bang Mizoram, Đông Bắc Ấn Độ, cho biết.

Năm nay, tình hình có vẻ lạc quan hơn cho bà Lalmuankimi và những người nông dân trong làng, vì chính quyền bang đã cho lắp đặt một kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời để chứa 10 tấn nông sản ở ngôi làng Khawzawl gần đó vào tháng 1.

Hội đồng Khoa học, Công nghệ & Đổi mới Mizoram (MISTIC) đã làm việc với công ty cung cấp chuỗi cung ứng lạnh Inficold để lắp đặt một kho lạnh trị giá 2,2 triệu rupee (27.100 USD), dành cho những người nông dân trong khu vực.

Kho lạnh của công ty Inficold lưu trữ năng lượng mặt trời trong hệ thống lưu trữ nhiệt (TSS) để làm mát trong thời gian không có năng lượng mặt trời. Hệ thống tự động chuyển sang điện lưới nếu TSS cạn xuống dưới mức tối thiểu. Người dùng có thể cài đặt hệ thống này trong phạm vi nhiệt độ từ 0 đến 200C.

Thế giới - Độc đáo giải pháp bảo quản nông sản mùa nắng nóng của nông dân Ấn Độ

Nông hộ quy mô nhỏ ở Ấn Độ có thể tránh lãng phí thực phẩm nhờ kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: News24

Giờ đây, bà Lalmuankimi có thể dự trữ những quả cam chưa kịp bán vào tháng 2 để bán vào tháng 8 thay vì vứt bỏ chúng. Thời điểm đó, giá cam sẽ ở mức 250 rupee/kg, gấp 5 lần giá mà bà vẫn bán hàng năm.

Dữ liệu cho thấy, Ấn Độ có hàng nghìn kho lạnh bảo quản sản phẩm (khoảng 8.200 kho lạnh vào năm 2020), nhưng các kho lạnh này được kết nối với lưới điện thay vì chạy bằng năng lượng mặt trời.

Chi phí năng lượng của các kho lạnh này quá cao đối với nhiều hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra, đồng nghĩa với việc những người có khả năng sử dụng chúng thường phải dựa vào máy phát điện diesel đắt tiền và gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, ngày càng có nhiều công ty và nhóm xã hội - thường được hỗ trợ bởi chính phủ tài trợ - đã cùng chung tay để thiết kế các kho lạnh bền vững chạy bằng năng lượng mặt trời trên toàn quốc.

Chất thải thành khí thải

Trong thập kỷ qua, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều chính sách và kế hoạch hành động, đồng thời đưa ra các khoản trợ cấp để phát triển hệ thống kho lạnh trên toàn quốc nhằm hạn chế lãng phí thực phẩm.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 40% lương thực sản xuất ở Ấn Độ bị lãng phí với chi phí hàng tỷ USD mỗi năm. Nhưng đây không chỉ là câu chuyện về kinh tế.

Lãng phí thực phẩm gây ra khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP27 ở Ai Cập. Báo cáo này cũng biết, chuỗi kho lạnh bền vững có thể đóng vai trò chính trong việc giải quyết “khủng hoảng khí hậu và lương thực”.

Ấn Độ đang phải chịu đựng thời tiết khắc nghiệt hơn bao giờ hết, từ lũ lụt đến hạn hán, và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu, khiến nông dân nước này ngày càng lo lắng về mùa màng và sự lãng phí của họ.

Do nhiều trang trại không được kết nối với lưới điện và phụ thuộc vào nguồn điện từ động cơ diesel, các chuyên gia năng lượng sạch cho biết, các giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời như hệ thống kho lạnh sẽ không chỉ cải thiện thu nhập của nông dân mà còn giúp ngành nông nghiệp xanh hơn.

Rekha Krishnan, giám đốc điều hành của Clean Energy Access Network, một hiệp hội ngành ở Ấn Độ cho biết: “Các trung tâm kho lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời... giải quyết cả những thách thức về môi trường và kinh tế xã hội mà không làm tăng lượng khí thải carbon”.

Tuy nhiên, các vấn đề hậu cần và chi phí có thể là rào cản đối với việc mở rộng quy mô lưu trữ như vậy, các đại diện và chuyên gia trong ngành cảnh báo.

Thế giới - Độc đáo giải pháp bảo quản nông sản mùa nắng nóng của nông dân Ấn Độ (Hình 2).

Một số nông dân chuẩn bị đưa sản phẩm vào kho lạnh ở Khawzawl, Ấn Độ ngày 4/11/2022. Ảnh: Context

Mở rộng quy mô

Người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Inficold, Nitin Goel, cho biết ông hy vọng sẽ giảm một nửa giá các thiết bị lưu trữ lạnh của công ty trong vòng 5 năm tới khi có nhiều sản phẩm hơn “được tung ra thị trường”. Những kho chứa có sức chứa 5 tấn của họ đang được bán với giá khoảng 1,4 triệu rupee (khoảng 17.000 USD).

Ông Goel cho biết Inficold hiện có 116 cơ sở trên khắp 19 bang của Ấn Độ, cung cấp kho chứa cho khoảng 25.000 nông dân. Công ty có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng kho lạnh vào năm 2023.

Doanh nhân này thừa nhận có những thách thức đối với việc mở rộng quy mô, chẳng hạn như vận chuyển các kho chứa “được đóng trong container” lớn qua những con đường xấu và địa hình gồ ghề đến những vùng xa xôi của Ấn Độ.

Nhưng miễn là họ có thể cắt giảm lượng khí thải carbon, thì “những nỗ lực để giữ cho môi trường của chúng ta trong sạch hơn là xứng đáng”, ông Goel cho biết.

Nhờ có kho lạnh ở Khawzawl, hợp tác xã cà chua ở làng Tualte cũng không còn phải thu hoạch tất cả sản phẩm của mình cùng một lúc. Thay vào đó, họ có thể hái quả khoảng 2 lần mỗi tuần và bán với giá tốt hơn.

Những người nông dân chỉ phải trả 1 rupee/tháng cho mỗi kg được lưu trữ. Số tiền này được sử dụng để bảo trì và vệ sinh kho lạnh này.

Trung tâm Krishi Vigyan Kendra (KVK) ở Khawzawl, một trung tâm khoa học nông nghiệp do chính phủ liên bang tài trợ, đang hướng dẫn cho nông dân địa phương cách bảo quản sản phẩm tốt nhất để kéo dài thời hạn sử dụng và đảm bảo chất lượng sản phẩm tươi ngon nhất có thể.

Nguyễn Tuyết (Theo Global Times, PV Magazine)

Bạn đang đọc bài viết "Độc đáo giải pháp bảo quản nông sản mùa nắng nóng của nông dân Ấn Độ" tại chuyên mục Tin tức. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.